Nhiều chủ nhà tự mình cải tạo, sửa chữa nhà cũ nhưng không lên kế hoạch rõ ràng, chi tiết đã dẫn đến việc “tiền mất tật mang” thêm tốn kém và gây mệt mỏi.
Đội giá so với dự tính
Chia sẻ lại câu chuyện của mình, anh Nguyễn Hoàng Hiếu (quận Đống Đa) cho biết, nhà tắm tầng 2 của gia đình bị ngấm ra sàn phòng bên ngoài và xuống mốc trần tầng dưới.
Để sửa chữa, anh đã liên hệ cho cơ sở chuyên chống thấm chống dột khảo sát và được báo giá lại khoảng 2 triệu đồng/m2 trọn gói toàn bộ thi công kèm bảo hành 10 năm với phương pháp là đục sàn, lót màng và lát lại.
Tuy nhiên, với tổng chi phí hơn 10 triệu đồng cho 5m2 nhà tắm nên anh quyết định không thuê thợ mà tự sửa chữa, xác định nguyên nhân lúc đầu do miệng ống đã cũ, không đảm bảo dẫn đến tình trạng nước rò rỉ. Khắc phục xong, một thời gian sau vẫn tiếp tục tái diễn tình trạng ngấm dột.
“Lúc này tôi gọi thợ đến kiểm tra thì được báo lại ống kẽm nước nóng bị mục lâu ngày có tia ra, cuối cùng vẫn phải thuê sửa chữa lại toàn bộ, mất tiền 2 lần nhưng cũng đành chịu” – anh Hiếu chia sẻ.
Còn với chị Nguyễn Thị Thao (trú tại Xuân La, quận Tây Hồ) hồi tháng 10 vừa rồi đã quyết định sửa tầng 1 của căn nhà 4 tầng. Ban đầu chỉ tính dành 30 – 50 triệu đồng chi phí sửa nhà. Thế nhưng đến khi bắt tay vào làm thì tổng chi phí tăng gấp đôi.
Một số khoản phát sinh có thể kể đến đường dây điện do đường dây cũ nhỏ đi ngầm trong tường và không có ống gen, khi cần thay phải đục tường và không an toàn. Đường ống nước cũng phải thay sau khi bắt đầu sửa chữa… Sau cùng, tổng chi phí cải tạo lại nhà gần 70 triệu, thêm nội thất là khoảng 80 triệu.
“Mình không nghĩ là sẽ phải sửa nhiều như vậy, nên lúc đầu 2 vợ chồng không thuê thiết kế nên phát sinh tới đâu tính tới đó. Khi cải tạo nhà, mọi người nên phải chuẩn bị tài chính nhiều hơn so với dự định vì những chi phí sẽ không cố định” – chị Thao cho hay.
Lưu ý để cải tạo nhà không bị đội giá
Cuối năm là thời điểm phát sinh nhiều nhu cầu sửa chữa, cải tạo nhà, để không bị đội giá vật liệu và chi phí nhân công, nên cân nhắc thời điểm và có kế hoạch chi phí.
Theo KTS Ngô Tâm – Công ty CP tư vấn xây dựng COVIC, để tránh mất thời gian, chủ nhà nên thuê một đơn vị chuyên nghiệp, hoặc lựa chọn những người có sản phẩm thiết kế phù hợp với phong cách của gia đình.
Xác định cụ thể từng khoản phí sẽ giúp chuẩn bị tổng chi phí chính xác hơn. Chủ nhà nên dự trù phí phát sinh khoảng 15 – 20% tổng chi phí sửa chữa. Trong quá trình sửa chữa chắc chắn sẽ có phần phát sinh thêm chi phí. Vậy để hạn chế tối đa phát sinh, nên có một kế hoạch kỹ càng, cụ thể nhất cho việc sửa nhà.
Một đơn vị chuyên nghiệp sẽ giúp gia đình lựa chọn phương án sửa chữa phù hợp nhất, dự trù được chi phí, lựa chọn sản phẩm vật liệu xây dựng phù hợp, lên phương án và thời gian sửa chữa. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể tự cải tạo, làm mới như: cải tạo sân thượng, ban công, phòng ngủ,… mà không cần thiết kế vì nó không làm thay đổi kết cấu.
“Một bản vẽ, thiết kế tổng thể, phối cảnh 3D càng chuẩn xác thì việc thi công mới dễ dàng và ít phát sinh. Ngoài ra cần tìm hiểu các đội ngũ thiết kế phù hợp với phong cách là cần thiết sẽ giúp tránh tranh cãi không tìm được tiếng nói chung làm chậm tiến độ” – KTS Ngô Tâm chia sẻ.
Bên cạnh đó, xác định mục đích sử dụng sau cải tạo là điều rất quan trọng, ảnh hưởng đến thiết kế cải tạo và kinh phí cho từng phần. Nếu mục đích cải tạo là nới rộng phòng khách hay phòng bếp để có không gian sinh hoạt chung thì bạn phải thu hẹp những không gian khác, hay mục đích sửa chữa nhà là để bán lại hay cho thuê thì sẽ hướng đến việc tiết kiệm chi phí trong sửa chữa.
Ngoài ra, để đảm bảo mọi thứ diễn đang theo đúng kế hoạch đề ra nên thường xuyên đến công trường để kiểm tra. Nếu có thể, hãy chi một khoảng ngân sách để thuê một giám sát riêng hoặc tìm kiếm đơn vị thi công có bộ phận giám sát công trình.
Gửi yêu cầu tư vấn
TRA CỨU PHONG THỦY