Các chuyên gia thiết kế chỉ ra 7 bước giúp xác định phong cách nội thất từ chọn màu sắc, tông màu cho đến cách phối hợp các món đồ khác nhau.
Với những người lần đầu sở hữu một căn hộ chung cư, điều háo hức nhất có lẽ là việc tự tay thiết kế, bài trí nội thất sao cho hài lòng nhất. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên không ít người dường như chỉ cố lấp đầy căn nhà bằng đủ loại nội thất và hối hận chỉ sau vài tháng.
Sau đây là 7 bước giúp bạn xác định được phong cách nội thất phù hợp với bản thân, từ đó tiết kiệm chi phí khi triển khai.
Bước 1: Xác định màu sắc yêu thích
Để bắt đầu, hãy tự hỏi bản thân bạn có bị thu hút bởi những màu sắc rực rỡ hay thích những tông màu trung tính hoặc gam màu xám. Những người có cá tính nổi bật hoặc hướng ngoại thường ưa thích những màu sắc rực rỡ. Ngược lại, những người hướng nội có xu hướng thích tông màu trầm hoặc trung tính. Vì vậy, điều đầu tiên bạn cần hiểu rõ tính cách cũng như tông màu mình yêu thích.
Bước 2: Tìm nguồn tham khảo
Sau khi xác định được tông màu ưa thích, đã đến lúc bạn khám phá nguồn ảnh nội thất vô hạn trên Pinterest, Instagram, Apartment Therapy, Etsy hay TikTok. Đối với những người am hiểu hơn về màu sắc phong cách, trang Colefax and Fowler là nguồn tư liệu mang lại nhiều cảm hứng.
Thậm chí bạn có thể nghiên cứu một chút về lịch sử, tìm hiểu về cả phong cách thiết kế nội thất trong quá khứ và hiện đại. Mỗi thời kỳ lịch sử, thiết kế nội thất đều có những đặc điểm riêng phù hợp với cá tính của từng người.
Một cách làm khác là bạn có thể phối hợp các thiết kế khác nhau với cùng phong cách để cho ra thiết kế mà mình ưng ý nhất.
Bước 3: Xem trực tiếp
Với sự phát triển của thương mại điện tử, bạn có thể dễ dàng mua đồ nội thất chỉ qua một cú nhấp chuột. Tuy nhiên, các chuyên gia thiết kế khuyên bạn nên đến trực tiếp các cửa hàng để hiểu rõ hơn về món đồ nội thất mình lựa chọn. Ngoài ra, việc xem trực tiếp còn giúp bạn hình dung dễ dàng hơn về kích thước, vị trí sắp xếp cũng như cách kết hợp chúng với các món nội thất khác.
Bước 4: Trò chơi tương phản
Với tất cả thông tin trên, bạn có thể bắt đầu hình dung phong cách thiết kế nội thất của mình. Nếu bạn vẫn chưa hài lòng với các thiết kế phổ biến, hãy thử kết hợp các yếu tố tương phản. Ví dụ, bạn có thể tự hỏi mình thích một tấm thảm sặc sỡ hay dịu mát? Bạn thích sofa có hoa văn hay không có họa tiết?
Phong cách nội thất không nhất thiết phải tuân theo một khuôn mẫu cố định, hoàn toàn theo phong cách cổ điển hoặc hiện đại. Trên thực tế, những không gian sống thú vị nhất thường là sự kết hợp hài hòa giữa nhiều phong cách khác nhau. Tuy nhiên, điều này cũng khá rủi ro nếu bạn không có gu thẩm mỹ tốt.
Bước 5: Áp dụng vào thực tế
Sau khi hình dung được phong cách thiết kế mong muốn, hãy bắt đầu nghĩ đến việc áp dụng nó vào không gian sống thực tế của bạn. Cần cân nhắc đến các yếu tố như ngân sách, diện tích và đặc biệt là lối sống. Chẳng hạn, nếu bạn có thú cưng, một chiếc sofa màu trắng không phải là lựa chọn hợp lý. Một không gian đẹp không chỉ đơn thuần là đẹp mắt mà còn phải đáp ứng nhu cầu và phù hợp với lối sống của người sử dụng.
Bước 6: Ưu tiên sự thoải mái
Bên cạnh việc chọn phong cách, bạn cũng cần quan tâm đến yếu tố thoải mái. Hãy nghĩ xem bạn muốn không gian sống của mình mang đến cảm giác như thế nào. Ví dụ, nếu thích không gian yên tĩnh và thư giãn, có thể bạn sẽ không muốn trang trí phòng với quá nhiều chi tiết rườm rà.
Bước 7: Tự tin với phong cách của riêng mình
Các chuyên gia khuyến khích mỗi người nên lắng nghe bản thân và lựa chọn những gì họ thực sự yêu thích, thay vì chạy theo xu hướng. Nhiều người ban đầu bị thu hút bởi những họa tiết sặc sỡ và phong cách cầu kỳ, nhưng khi bắt tay vào thực tế lại hướng đến những thiết kế đơn giản với tông màu và họa tiết trung tính.
Sau khi đã có được phong cách thiết kế nội thất riêng, bạn nên tự tin với quyết định của bản thân. Đừng nên hỏi ý kiến bạn bè, gia đình hay bất kỳ ai khác. Hãy lắng nghe chính mình và các thành viên sinh sống trong căn nhà.
Dù muốn chia sẻ ý tưởng thiết kế nhưng hãy nhớ rằng đây là không gian sống của bạn. Hãy trang trí ngôi nhà cho chính mình, không phải để làm hài lòng người khác.